Khi thang máy gặp trục trặc thì tất nhiên việc sửa chữa, thay thế linh kiện thiết bị là cần thiết để thang máy hoạt động được. Tuy nhiên, cũng sẽ có những trường hợp việc sửa chữa diễn ra nhằm phòng tránh nguy cơ xảy ra trục trặc, khách hàng nhận đề xuất từ nhân viên kỹ thuật trong quá trình bảo trì thang máy định kỳ.
1. Khi nào cần sửa chữa thang máy?
Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BLĐTBXH về An toàn lao động đối với thang máy gia đình có quy định rõ: “Thang máy trong quá trình sử dụng phải được bảo dưỡng định kỳ không quá 03 tháng một lần. Giữa các lần bảo dưỡng phải thực hiện kiểm tra, kịp thời xử lý những mối nguy hiểm có thể xảy ra.” Quá trình sử dụng thang máy cần tuân thủ đúng theo quy chuẩn trên của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Việc bảo trì thang máy hướng đến kiểm tra toàn bộ thang máy, đảm bảo các thông số đạt chuẩn, để thang luôn vận hành trong trạng thái tốt nhất, tránh các hỏng hóc có thể phát sinh và đề phòng các sự cố liên quan đến an toàn sử dụng. Khách hàng sử dụng thang máy nên sử dụng dịch vụ bảo trì thang máy và xem xét các gợi ý sửa chữa từ nhân viên kỹ thuật để đảm bảo thang máy hoạt động an toàn.
2. Các dấu hiệu thang máy cần sửa chữa
Một số dấu hiệu cho thấy thang máy cần sửa chữa:
– Thang máy hoạt động không ổn định, thường xuyên lỗi
– Khi di chuyển, thang máy bị rung lắc mạnh, phát ra tiếng ồn động cơ, tiếng cáp tải kêu cót két,…
– Cửa thang máy khi đóng mở bất thường
– Thang máy hay bị kẹt cửa, nhốt khách
– Khi mất điện, hệ thống cứu hộ tự động không hoạt động
– Dừng sai tầng hoặc nút nhấn hoạt động không ổn định
Ngoài các dấu hiệu trên, khi thang máy có bất kì dấu hiệu bất thường nào khác trong quá trình sử dụng, người sử dụng đều cần liên hệ ngay đơn vị cung cấp dịch vụ bảo trì để được tư vấn và kiểm tra tìm nguyên nhân.
3. Tìm dịch vụ sửa chữa thang máy như thế nào?
Các chuyên gia kỹ thuật Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng dịch vụ bảo trì hoặc sửa chữa thang máy từ chính hãng sản phẩm mà mình đang sử dụng, bởi có những ưu điểm như:
– Đơn vị được ủy quyền chính hãng
– Đảm bảo nguồn gốc thiết bị, linh kiện thay thế
– Đảm bảo tính đồng bộ thiết bị, linh kiện sau khi thay thế
– Có đội ngũ nhân viên kỹ thuật cơ hữu, được đào tạo từ chính nhà sản xuất, am hiểu về thiết bị, linh kiện trong quá trình thao tác sửa chữa
– Có văn phòng đại diện phủ sóng rộng, gần khu vực lắp đặt và sử dụng
– Có đường dây nóng hỗ trợ tư vấn, cứu hộ khẩn cấp, có thể kiểm tra bằng cách gọi trực tiếp vào đường dây nóng để được tư vấn về dịch vụ
– Doanh nghiệp cung cấp cả sản phẩm và dịch vụ uy tín hơn với các doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp khách hàng sử dụng thang máy của thương hiệu “yểu mệnh”, sau khi mua bán sản phẩm thì doanh nghiệp “bốc hơi” khỏi thị trường. Khi đó khách hàng nên tìm kiếm các đơn vị bảo trì, sửa chữa thang máy có uy tín chất lượng để hỗ trợ quá trình bảo trì thang máy của mình, qua đó giảm các nguy cơ tổn hại thang máy.
4. Những lưu ý quan trọng khi sử dụng dịch vụ sửa chữa thang máy
Đảm bảo an ninh – an toàn: Khi chúng ta thuê dịch vụ bảo trì, sửa chữa thang máy, đồng nghĩa với việc xuất hiện người lạ trong nhà là điều lo ngại thường trực đối với gia chủ. Bởi vậy, một số gợi ý sau sẽ hạn chế được những rủi ro cho chính gia đình bạn:
– Thuê dịch vụ thang máy của đơn vị có năng lực, uy tín cao
– Sắp xếp người giám sát quá trình làm việc của kỹ thuật viên
– Kỹ thuật viên thực hiện công việc bảo trì, sửa chữa thang máy cần có đầy đủ những yêu cầu cơ bản nhất: Thẻ nhân viên kèm phiếu giao việc của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có đóng dấu; trang phục và đồ bảo hộ đầy đủ; yêu cầu xuất trình căn cước công dân để đối chiếu khớp với các giấy tờ giao nhiệm vụ hay không. Nếu gia chủ nghi ngờ, cần xác minh ngay thông tin với đơn vị cung cấp dịch vụ trước khi cho kỹ thuật viên vào nhà.
Trong thời gian tới, khi Nhà nước yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ hành nghề (đối với nghề liên quan đến an toàn, sức khỏe,…), yêu cầu nhân viên kỹ thuật xuất trình chứng chỉ hoặc có thể quét mã QR để kiểm tra, đối chiếu về nhân thân, về công việc bảo trì, sửa chữa trên hệ thống quản lý dữ liệu.
Kiểm tra vận hành thang máy sau sửa chữa: Sau khi kỹ thuật viên thực hiện bảo trì, sửa chữa, thay thế các linh kiện, thiết bị thang máy xong, gia chủ cần yêu cầu kiểm tra vận hành thang máy. Trong đó đặc biệt lưu ý kiểm tra một số bộ phận liên quan đến an toàn sử dụng như:
– Tính năng cứu hộ thang máy: Chức năng cứu hộ tự động (ARD – Automatic Rescue Device) là một chức năng an toàn bắt buộc phải có, đề phòng trường hợp đột ngột mất điện thang máy đưa cabin về tầng gần nhất để người dùng thoát ra ngoài. Muốn kiểm tra chức năng này có hoạt động bình thường hay không, khi nghiệm thu bảo trì, sửa chữa phải yêu cầu kỹ thuật viên cắt điện đột ngột thực hiện trường hợp giả định, xem cabin có được đưa về tầng gần nhất hay không.
Những thang máy tối tân, hiện đại còn tích hợp hệ thống SRS (Self Rescue System – Hệ thống tự cứu hộ) phòng khi mất điện, bộ cứu hộ ARD hỏng thì người đi thang có thể ấn nút SRS để tự giải thoát mà không cần trợ giúp. Để kiểm tra hệ thống này, bạn giả định mất điện đồng thời yêu cầu ngắt điện của bộ cứu hộ tự động (ARD) để nhất nút SRS trong cabin xem cabin có tự về tầng gần nhất bình thường không.
– Hệ thống cứu hộ khẩn cấp: Thang máy tiêu chuẩn có hệ thống liên lạc nội bộ (Intercom) nhằm đảm bảo liên lạc 3 điểm: Người trong cabin, người ở ngoài phòng trực và tủ điện phòng máy. Hệ thống này chỉ hữu hiệu với thang máy công cộng luôn có người qua lại hay có bảo vệ thường trực. Nhưng đối với thang máy gia đình thì hệ thống này ít hiệu quả khi người ở nhà một mình sử dụng thang bị nhốt thì có gọi cũng không có ai nghe.
Để khắc phục tình trạng này, gần đây một số hãng thang máy đã cung cấp hệ thống gọi khẩn cấp Emcall (Emergency Call) Hệ thống này có thể thực hiện chức năng:
– Tự động gửi lỗi về trung tâm dịch vụ bằng tin nhắn
– Khi người đi thang bị nhốt một mình thì chỉ cần ấn vào nút Emcall trong cabin thì cuộc gọi được tự động chuyển đến 5 số điện thoại do bạn tùy ý lựa chọn để cài đặt (ví dụ: 3 số người nhà, 2 số tổng đài của bên cung cấp dịch vụ hay cứu hộ 114). Ngay khi bạn nhấn nút, hệ thống Emcall sẽ tự động quay số thứ nhất, nếu không có người bắt máy sau 10 giây (hoặc theo thời gian cài đặt) sẽ tự động chuyển sang số thứ 2 và lặp lại cho đến khi có người nhấc máy và đến cứu hộ.
– Đèn chiếu sáng khẩn cấp, quạt thông gió: Khi mất điện bắt buộc quạt thông gió và đèn chiếu sáng khẩn cấp trong cabin phải hoạt động tối thiểu 30 phút để đảm bảo ánh sáng và lưu thông không khí. Do vậy, bạn yêu cầu kỹ thuật viên sau khi bảo trì xong phải cho bạn kiểm tra chức năng này bằng cách đứng trong cabin và cắt điện tổng để xem tình trạng của hệ thống.
Biên bản bảo trì và hạn kiểm định: Sau khi kết thúc buổi bảo trì, sửa chữa, bạn yêu cầu kỹ thuật viên trình lại biên bản để kiểm tra, nếu bạn hài lòng với tất cả các hạng mục công việc mới tiến hành ký xác nhận. Bạn hoàn toàn có quyền chất vấn về những nội dung công việc và tình trạng trong biên bản.